Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), những công ty nhập khẩu không chính hãng không tối ưu hóa được việc bảo vệ người tiêu dùng.
Sau khi Tổng cục Hải quan có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính thay đổi cơ chế xuất nhập khẩu nhằm tăng thu ngân sách, tránh sự độc quyền trên thị trường ôtô, trong đó có đề nghị theo hướng hủy các quy định siết nhập khẩu ôtô hiện nay, ngay lập tức Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) lên tiếng.
VAMA cho rằng không có tình trạng độc quyền kinh doanh ôtô hiện nay. Theo lý giải của VAMA, ngoài 18 thành viên VAMA đang sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô còn có nhiều nhà phân phối khác với các nhãn hiệu như Porsche, Audi, Renault, Citroen, BMW hoặc Volkswagen. Chỉ có một nhãn hiệu toàn cầu khác chưa có mặt ở Việt Nam là Peugeot.
Theo VAMA, tính đến nay đã có hơn 23 nhà sản xuất chính hãng đã có mặt ở Việt Nam, lượng xe bán ra khoảng 100.000 xe trong năm 2012, với cam kết đầu tư lâu dài, đầu tư lớn về nhà xưởng, thiết bị, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Do đó, VAMA không cho rằng họ đang giữ vị trí độc quyền trong việc phân phối xe nguyên chiếc.
Nhấn mạnh về việc mong muốn giữ nguyên điều kiện nhập khẩu ôtô mà Bộ Công Thương đã quy định, VAMA dẫn chứng rằng những công ty nhập khẩu không chính hãng không tối ưu hóa được việc bảo vệ người tiêu dùng.
VAMA cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn cộng với việc tăng một số loại phí liên quan cũng như đề xuất mới về phí đã làm cho ngành công nghiệp ôtô suy giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Để giải phóng hàng và giải quyết vấn đề nguồn vốn, hầu hết các công ty ôtô đều đã phải thực hiện các chương trình khuyến mãi để có được khách hàng. Điều này theo VAMA khó có thể xảy ra ở một thị trường độc quyền.
Tham chiếu với ngành công nghiệp xe máy, hiện nay có hai nhà sản xuất lớn, chiếm khoảng 80% thị phần với hơn 3 triệu xe máy/năm, theo VAMA có thể có lý do để xem xét vấn đề độc quyền trong trường hợp này. |