Một hệ thống chiếu sáng mới thông minh hơn có khả năng nhìn xuyên qua màn mưa dày đặc hay tuyết rơi trắng trời sẽ là tương lai không xa.
Lái xe ban đêm trong điều kiện trời mưa hoặc tuyết rơi dày rất nguy hiểm, không chỉ bởi đường trơn hơn mà chủ yếu do tầm nhìn bị hạn chế. Với hệ thống chiếu sáng hiện tại đang áp dụng trên xe, người lái dễ bị lóa mắt khi ánh sáng đèn bị phản chiếu bởi những giọt nước mưa hay bông tuyết. Trong tương lai, phiền phức đó sẽ được giải quyết. Một nhóm nghiên cứu tại trường đại học Carnegie Mellon đang phát triển một hệ thống chiếu sáng thử nghiệm có thể khiến màn mưa dày đặc trước mắt trở nên vô hình trong khi phần đường phía trước vẫn được chiếu sáng đủ.
“Trái tim của hệ thống này là một máy chiếu sáng kỹ thuật số (projector - đóng vai trò đèn chiếu sáng thực sự) và một camera kế cận. Camera này có nhiệm vụ “nhìn” chính xác trường chiếu sáng của máy chiếu, thông qua một bộ tách tia màu (beamsplitter). Khi một hạt mưa rơi lên phần đỉnh của trường này, nó sẽ được chiếu sáng bởi máy chiếu, hình ảnh của nó nhanh chóng được camera ghi lại.
Một bộ vi xử lý sau đó sẽ tính toán quỹ đạo của giọt nước, sau đó tắt những tia sáng từ luồng sáng của máy chiếu nằm trên đường đi của hạt mưa đó. Kết quả là hạt mưa rơi qua trường chiếu sáng mà không có ánh sáng nào bị nó phản chiếu lại, trừ giọt ở phía trên cùng của trường. Tất cả các tia sáng khác không nằm trong quỹ đạo của hạt mưa trong phạm vi 3 đến 4m phía trước máy chiếu sẽ làm nhiệm vụ chiếu sáng như thông thường.
Quá trình này được tiến hành đồng thời với điều kiện rất nhiều hạt mưa rơi cùng lúc. Với mỗi giọt, thời gian từ khi phát hiện tới xử lý chỉ kéo dài 13 mili-giây. Do các tia sáng được tắt-bật rất nhanh, ánh sáng chiếu ra được coi là “không gây nháy”.
Tất nhiên trong điều kiện mưa tuyết dày hạt, vô số các tia sáng từ máy chiếu sáng được tắt-bật, ánh sáng phát ra sẽ không thể nào đạt được độ sáng như đèn thông thường. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tính toán rằng lưu lượng không khí chỉ chứa tối đa 2 đến 3% hạt mưa, bởi vậy độ sáng của hệ thống này cũng chỉ bị giảm bớt từ 2-3%.
Theo báo cáo của Technology Review, hệ thống này có thể “che dấu” 70% hạt mưa trong điều kiện giông bão, khi xe chạy ở tốc độ 30km/h. Con số này hạ xuống còn 15 đến 20% khi vận tốc tăng lên 100 km/h. |